TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
Trong thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi của các nhóm tội phạm có những diễn biến phức tạp. Số vụ án được phát hiện ngày càng có quy mô lớn, diễn ra trên phạm vi rộng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Để kịp thời đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định của BLHS năm 1999 về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Tuy nhiên, quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 trong thực tế áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến các quan điểm và cách áp dụng pháp luật giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa được thống nhất.
Gần đây nhất, ngày 09/10/2020, VKSNDTC ban hành Công văn 4688/VKSTC-V14 hướng dẫn, giải đáp vướng mắc khi áp dụng Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cụ thể như sau:
- Đối với khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự:
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Theo đó, khoản tiền lãi vượt quá không có hiệu lực và phải được coi là thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự.
- Về xử lý tiền gốc và tiền thu lợi bất chính trong vay nặng lãi cụ thể như sau:
+ Tiền gốc là phương tiện phạm tội nên cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017);
+ Khoản tiền lãi tương ứng lãi suất 20%/năm thì xác định đây là là khoản tiền do phạm tội mà có và phải tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
- Khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay...